Tiểu đường (đái tháo đường) là căn bệnh ngày càng trở nên phổ biến. Theo thống kê của Bộ Y Tế, Việt Nam nằm trong số những quốc gia có tốc độ bệnh nhân tiểu đường tăng nhanh nhất thế giới với tỷ lệ mắc ở giới trẻ ngày càng cao. Nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của tình trạng mãn tính này có thể giúp người bệnh được điều trị sớm hơn, giúp giảm nguy cơ biến chứng nặng. Vậy làm thế nào bạn có thể biết nếu bạn bị bệnh tiểu đường. Cùng đọc bài viết dưới đây để có cách nhận biết bệnh tiểu đường sớm nhất nhé!
1. Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là một bệnh lý hình thành do sự rối loạn chuyển hóa carbohydrate. Do cơ thể thiếu hụt với insulin hoặc cơ thể đề kháng với hormon insulin dẫn đến chỉ số đường máu tăng cao mạn tính.
Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao gây ra nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như: bệnh tim mạch, tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Có hai loại bệnh tiểu đường chính đó là:
- Tiểu đường loại 1: Gây ra do tình trạng cơ thể không thể sản xuất insulin. Tiểu đường loại 1 này hiếm gặp chiếm dưới 10% số người mắc bệnh.
- Tiểu đường loại 2: Là tình trạng cơ thể đề kháng với hormon insulin. Có nghĩa là cơ thể vẫn sản xuất ra insulin nhưng sử dụng hormone này không hiệu quả. Dẫn đến không thể chuyển hóa được glucose.
- Khoảng 90% đến 95% người bị tiểu đường trên thế giới là loại 2.
2. Cách nhận biết bệnh tiểu đường sớm nhất
Các dấu hiệu nhận biết có thể nhẹ đến mức bạn không nhận thấy. Điều đó đặc biệt đúng với bệnh tiểu đường loại 2 . Một số người không phát hiện ra mình mắc bệnh cho đến khi họ gặp vấn đề do tổn thương lâu dài do bệnh gây ra.
Với bệnh tiểu đường loại 1 , các triệu chứng thường xảy ra nhanh chóng, trong vài ngày hoặc vài tuần. Chúng cũng nghiêm trọng hơn nhiều.
Cả hai loại bệnh tiểu đường này đều có một số dấu hiệu cảnh báo giống nhau dưới đây:
2.1. Thường xuyên đi tiểu
Khi lượng đường trong máu cao, thận sẽ cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa bằng cách lọc nó ra khỏi máu. Điều này khiến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu và phải mất nước. Kết quả là bạn cần đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm.
Nếu số lần đi tiểu một ngày lớn hơn 7, có thể bạn đã bị đái tháo đường.
2.2. Liên tục khát nước
Bạn khát nước và uống nước khá nhiều nhưng cảm giác khát nước vẫn còn. Vì sao lại như thế?
Việc đi tiểu thường xuyên là cần thiết để loại bỏ lượng đường dư thừa ra khỏi máu có thể khiến cơ thể mất thêm nước. Theo thời gian, điều này có thể gây ra tình trạng mất nước và dẫn đến bạn cảm thấy khát hơn bình thường.
2.3. Luôn cảm thấy đói và mệt mỏi
Cơ thể chuyển đổi thức ăn thành glucose, glucose sẽ được hormone insulin vận chuyển từ máu vào tế bào để tạo năng lượng cho các tế bào hoạt động. Ở người mắc bệnh tiểu đường, quá trình này không hiệu quả dẫn đến tế bào và các cơ quan cạn kiệt năng lượng. Bạn sẽ thấy mệt mỏi và cần nạp thức ăn lấy thêm năng lượng để bù lại phần năng lượng bị thiếu, dẫn đến cảm giác đói và mệt mỏi thường xuyên.
2.4. Sụt cân bất thường
Cơ thể chúng ta như một cỗ máy luôn cần nhiên liệu để hoạt động. Và nhiên liệu đó chính là đường (glucose).
Người mắc bệnh tiểu đường sụt cân nhanh có thể do khi bị tiểu đường, cơ thể không thể lấy năng lượng từ glucose, buộc nó phải lấy năng lượng từ mỡ và các cơ. Thiếu insulin dẫn tới giảm tổng hợp protein và mỡ, tăng quá trình tiêu protein, tiêu mỡ tất yếu sẽ dẫn đến sụt cân. Nếu bạn gặp tình trạng sụt cân nhanh và nhiều mà chưa rõ nguyên nhân, bạn nhớ kiểm tra cơ thể tổng quát liền nhé.
2.5. Nhìn mờ
Lượng đường dư thừa trong máu có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ trong mắt, gây mờ mắt. Nhìn mờ này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt.
Nếu một người mắc bệnh tiểu đường mà không được điều trị, tổn thương các mạch máu này có thể trở nên nghiêm trọng hơn và cuối cùng có thể mất thị lực vĩnh viễn.
2.6. Vết thương chậm lành
Lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các dây thần kinh và mạch máu của cơ thể, làm suy giảm lưu thông máu. Do đó, ngay cả những vết cắt và vết thương nhỏ cũng có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để chữa lành. Vết thương chậm lành cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
2.7. Dễ bị nhiễm trùng và nhiễm nấm
Lượng đường dư thừa trong máu khiến hệ thống miễn dịch (cơ chế tự bảo vệ của cơ thể) bị ức chế, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Mặt khác, lượng đường trong máu và trong nước tiểu cao sẽ là nguồn thức ăn dồi dào cho nấm men. Từ đó, dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.
Nhiễm trùng nấm men có xu hướng xảy ra trên các vùng da ẩm ướt, chẳng hạn như miệng, vùng sinh dục và nách. Chính vì vậy, người bị tiểu đường thường cảm thấy ngứa, cũng có thể bị bỏng, đỏ và đau.
3. Tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường
Nhận biết các dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm hơn. Điều trị thích hợp, thay đổi lối sống và kiểm soát lượng đường trong máu có thể cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của một người và giảm nguy cơ biến chứng.
Nếu không điều trị, lượng đường trong máu cao liên tục có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi đe dọa tính mạng, bao gồm:
- Bệnh tim.
- Tổn thương thần kinh hoặc bệnh thần kinh.
- Bệnh thận, có thể dẫn đến một người cần lọc máu.
- Bệnh về mắt hoặc mất thị lực.
- Vấn đề tình dục ở cả nam và nữ.
.Trên đây là cách nhận biết bệnh tiểu đường bạn không thể bỏ qua. Nếu xuất hiện các dấu hiệu trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị hợp lý, đồng thời thay đổi lối sống kịp thời để bệnh không chuyển biến xấu.