Ngày Hen toàn cầu 7/5 – Chủ động phòng bệnh hen phế quản tái phát

Hen phế quản còn gọi là hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.

Do nhạy cảm với môi trường, nên khi thời tiết thay đổi đột ngột, nóng lạnh thất thường, bệnh nhân hen phế quản dễ lên cơn hen cấp, rất nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời.

Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Tuy bệnh hen phế quản thường không thể chữa khỏi, nhưng triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bởi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

1. Yếu tố khởi phát cơn hen

Hen phế quản là một bệnh đường hô hấp, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản.

Nguyên nhân của bệnh hen thường do các yếu tố như:

  • Nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm virus đường hô hấp trên
  • Tình trạng ô nhiễm môi trường: khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp, bụi nhà, bụi lông gia súc, gia cầm, bụi xác côn trùng, nấm mốc, phấn hoa…
  • Dị ứng các loại thức ăn: tôm, cua, cá, nhộng tằm…
  • Tiếp xúc một số muối kim loại, bụi gỗ, hơi xăng dầu…

Ngoài ra khi xúc động mạnh, vui buồn quá độ, thay đổi nội tiết khi thai nghén, kinh nguyệt, khi người bệnh làm việc gắng sức…

Dị nguyên là những yếu tố kích thích gây hen suyễn
Dị nguyên là những yếu tố kích thích gây hen suyễn

2. Đặc trưng của hen phế quản là gì?

Một số biểu hiện thường gặp của hen phế quản như:

  • Khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt khi thở ra. Cơn khó thở thường về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi).
  • Một số bệnh nhân trước khi vào cơn hen có thể có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ…
  • Cơn khó thở điển hình: Lúc bắt đầu khó thở chậm, ở thì thở ra, có tiếng cò cứ người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5- 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm. Đờm thường trong, quánh, dính. Khám trong cơn hen thấy có ran rít, ran ngáy lan tỏa 2 phổi.
    Một số biểu hiện của hen phế quản
    Một số biểu hiện của hen phế quản

3. Phòng ngừa bệnh hen phế quản

Nguyên tắc trong điều trị và phòng ngừa bệnh hen suyễn là cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như:

  • Vật nuôi, mạt nhà, gián, cây trồng và phấn hoa, ẩm mốc, khói thuốc, hóa chất, một số loại thức ăn.
  • Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: chó, mèo, chim cảnh…
  • Đeo khẩu trang khi ra đường: để tránh các thành phần khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại trong không khí…
  • Kiêng ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: Tôm, cua, đồ chiên nướng, rượu bia… thuộc nhóm dễ gây dị ứng.
  • Cần thường xuyên dọn dẹp nhà cửa nơi ở: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh.
  • Thực đơn hàng ngày cần bảo đảm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất cần thiết như chất đạm, chất béo, chất xơ,… Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các thực phẩm tăng sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là các loại trái cây giàu Vitamin C như: cam, bưởi, chanh,…
  • Rèn luyện thể dục thường xuyên cũng là cách phòng ngừa bệnh hen suyễn rất tốt. Tuy nhiên, tránh tập luyện lâu ngoài trời lạnh hoặc tập quá sức bản thân.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh.

Ngoài ra, người mắc bệnh hen phế quản cần chú ý tập thể dục giúp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cơ thể giúp chức năng hô hấp làm việc tốt. Ăn uống đủ chất và uống đủ nước. Đồng thời, tuân thủ đúng việc uống thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ, tái khám đúng hẹn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *