Số lượng người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đang ngày càng gia tăng và để lại nhiều hậu quả cho sức khoẻ con người. Hiểu rõ về bệnh lý này sẽ giúp cho bạn và gia đình phòng ngừa và làm giảm biến chứng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin tổng quan về bệnh tiểu đường tuýp 2.
1. Triệu chứng tiểu đường tuýp 2
Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin để đưa glucose vào tế bào.
Điều này khiến cơ thể phụ thuộc vào các nguồn năng lượng thay thế trong các mô, cơ và các cơ quan. Đây là một phản ứng dây chuyền có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Cụ thể như sau:
Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm: đói liên tục, mệt mỏi, khát, đi tiểu thường xuyên, mờ mắt, ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân.
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng ngày càng nặng và có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nếu đường huyết ở mức cao trong một thời gian dài, các biến chứng có thể bao gồm :
- Vấn đề về mắt (bệnh võng mạc tiểu đường).
- Tê chân tay hoặc bệnh thần kinh.
- Bệnh thận.
- Bệnh nướu răng.
- Đau tim hoặc đột quỵ
2. Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường loại 2 chủ yếu là hệ quả của hai vấn đề có liên quan với nhau:
- Các tế bào trong cơ, mô mỡ và gan trở nên đề kháng với insulin. Bởi vì những tế bào này không tương tác với insulin theo cách bình thường, chúng không hấp thụ đủ đường.
- Tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để ổn định lượng đường trong máu.
Nguyên nhân tại sao xảy ra hiện tượng này chưa được biết rõ ràng, tuy nhiên vẫn có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 bao gồm:
Cân nặng: Thừa cân hoặc béo phì là một nguy cơ chính.
Sự phân bố chất béo: Tích trữ chất béo chủ yếu ở bụng có thể làm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, cụ thể là nam giới có vòng bụng trên 101,6 cm hoặc phụ nữ có vòng hai trên 88,9 cm.
Không hoạt động: Càng ít hoạt động, rủi ro mắc bệnh này càng lớn. Hoạt động thể chất giúp kiểm soát cân nặng và làm cho các tế bào nhạy cảm hơn với insulin.
Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng lên nếu cha mẹ hoặc anh chị em của bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Mức độ lipid máu: Nguy cơ gia tăng có liên quan đến nồng độ thấp của cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) – loại cholesterol “tốt” – và mức độ cao của chất béo trung tính.
Tuổi: Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng lên khi bạn già đi, đặc biệt là sau 45 tuổi.
Tiền tiểu đường: Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu của bạn cao hơn bình thường, nhưng không đủ cao để được xếp vào bệnh tiểu đường. Nếu không được điều trị, tiền tiểu đường thường tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2.
Rủi ro liên quan đến thai nghén: Nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 sẽ cao hơn nếu bạn mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khi đang mang thai hoặc nếu bạn sinh con nặng hơn 9 pound (4 kg).
Hội chứng buồng trứng đa nang: Mắc hội chứng buồng trứng đa nang – một tình trạng phổ biến đặc trưng bởi kinh nguyệt không đều, lông mọc nhiều và béo phì – làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
3. Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2
Để điều trị căn bệnh này hiệu quả cần kết hợp giữa việc sử dụng thuốc hợp và thay đổi lối sống lành mạnh. Cụ thể như sau:
3.1. Thuốc chữa tiểu đường tuýp 2
Dưới đây là danh sách của các loại thuốc điều trị bệnh lý này. Chú ý rằng, việc sử dụng các loại thuốc cần theo sự chỉ định và kê đơn của bác sĩ:
Metformin: Đây là là loại thuốc điều trị đầu tay cho hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Sulfonylureas: Loại thuốc uống này giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn.
Meglitinides: Thuốc có tác dụng nhanh, thời gian ngắn, kích thích tuyến tụy tiết ra nhiều insulin hơn.
Thiazolidinediones: Giúp tế bào trở nên nhạy cảm hơn với insulin.
Thuốc ức chế dipeptidyl peptidase 4 (DPP-4): Có tác dụng làm giảm lượng đường huyết.
Chất chủ vận peptide-1 giống glucagon: Những chất này làm chậm quá trình tiêu hóa và cải thiện lượng đường trong máu.
Chất ức chế natri-glucose Cotransporter-2 (SGLT2): Tăng quá trình đào thải đường thông qua nước tiểu.
3.2. Điều chỉnh lối sống lành mạnh
Việc xây dựng thói quen tốt trong sinh hoạt và ăn uống là chìa khoá giúp giảm các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng tiểu đường. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn giúp điều chỉnh lối sống khoa học, lành mạnh.
– Tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất xơ và carbohydrate lành mạnh: ăn trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giữ mức đường huyết ổn định.
– Các loại thực phẩm cần tránh sử dụng bao gồm: đồ ăn giàu chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa (như thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa), thịt chế biến (như xúc xích), bơ thực vật, bánh nướng tinh chế (như bánh mì trắng và bánh ngọt), đồ ăn chứa nhiều đường…
– Học cách lắng nghe cơ thể và ngừng ăn khi bạn đã no.
– Quản lý cân nặng và giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh, hạn chế sử dụng carbohydrate tinh chế, đồ ngọt và chất béo động vật ở mức tối thiểu.
– Hoạt động thể chất khoảng nửa giờ mỗi ngày để giúp giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh, tập thể dục cũng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
4. Phòng ngừa tiểu đường tuýp 2
Mặc dù không phải trường hợp nào cũng có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng có một số điều chỉnh trong lối sống có thể giúp trì hoãn hoặc thậm chí ngăn chặn sự khởi phát bệnh lý này.
Điều này đúng ngay cả khi bạn có các yếu tố nguy cơ như tiền tiểu đường, chẳng hạn như sau:
Chế độ ăn uống tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2 là chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, carbs lành mạnh, chất béo lành mạnh và rất ít đường tinh luyện.
Vận động hợp lý: thời lượng tập thể dục tối ưu một tuần cho người lớn là 150 phút, có thể chuyển thành 30 phút một ngày, 5 ngày một tuần.
Duy trì cân nặng vừa phải là cách tốt để phòng ngừa nguy cơ và giảm nhẹ các biến chứng mãn tính của bệnh tiểu đường.
Giảm căng thẳng: hạn chế áp lực trong cuộc sống, luôn giữ cho tinh thần luôn thoải mái và tránh những cảm xúc tiêu cực.
Hạn chế rượu bia, thuốc lá: Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia và thuốc lá bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, suy giảm hệ miễn dịch và ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ tổng thể.
Trên đây là toàn bộ thông tin tổng quát về bệnh tiểu đường tuýp 2, hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho người bệnh nhiều kiến thức hữu ích nhất. Chúc bạn và gia đình sẽ luôn khoẻ mạnh và chiến thắng căn bệnh này.